Ô nhiễm không khí là gì? Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam
I. Ô nhiễm môi trường không khí là gì?
II. Ô nhiễm không khí trên thế giới đang diễn ra như thế nào?
III. Tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam
IV. Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm trong không khí
1. Nguyên nhân đến từ tự nhiên
2. Nguyên nhân xuất phát từ con người (nhân tạo)
2.1 Hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp
2.2 Hoạt động giao thông vận tải
2.3 Hoạt động quân sự, quốc phòng
2.4 Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng
2.5 Hoạt động thu gom xử lý rác thải
V. Hậu quả của ô nhiễm môi trường không khí
1. Tác hại đối với động thực vật
VI. Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường không khí
1. Cải thiện thói quen sinh hoạt
2. Xử lý khí thải công nghiệp đúng quy định
Tình trạng ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề nan giải đối với toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Vì vậy, làm rõ nguyên nhân và tìm kiếm các biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường không khí là điều thực sự cần thiết.
I. Ô nhiễm môi trường không khí là gì?
▪ Trước khi đến với khái niệm ô nhiễm không khí, bạn cần hiểu rõ môi trường không khí là gì? Hiểu một cách đơn giản, đây là tập hợp tất cả các khí xung quanh chúng ta.
▪ Không khí mang lại sự sống cho toàn bộ các sinh vật trên trái đất, trong đó bao gồm cả con người. Yếu tố này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự sinh tồn và quá trình phát triển của tất cả sinh vật xuất hiện trên trái đất.
▪ Vì vậy, khái niệm ô nhiễm môi trường không khí được dùng để miêu tả sự thay đổi lớn theo chiều hướng tiêu cực trong thành phần không khí.
II. Ô nhiễm không khí trên thế giới đang diễn ra như thế nào?
▪ Theo những số liệu trong bản "Báo cáo Tình trạng Không khí Toàn cầu" được công bố vào năm 2020 thì thực trạng ô nhiễm môi trường không khí trên thế giới đang ở mức báo động.
▪ Vấn đề này không phải chỉ mới xảy ra mà đã tồn tại từ trước, tuy vậy con người vẫn chưa đưa ra bất kỳ biện pháp cụ thể nào để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí.
▪ WHO đã gọi tình trạng ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng” khi mà có tới 92% dân số thế giới đang phải sống trong môi trường với chất lượng không khí ở dưới mức tiêu chuẩn đề ra.
III. Tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam
▪ Có thể nói, ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với cả thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
▪ Theo Báo cáo thường niên về chỉ số môi trường (EPI) được thực hiện bởi tổ chức Môi trường Mỹ, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có chỉ số ô nhiễm không khí (API) cao nhất tại khu vực Châu Á.
▪ Trong đó, tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô Hà Nội và TPHCM là nghiêm trọng nhất trên cả nước. Có nhiều thời điểm, bụi mịn bao phủ cả bầu trời làm hạn chế tầm nhìn và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân.
▪ Tính đến tháng 2/2020, Việt Nam đã có gần 3,6 triệu xe ô tô và hơn 45 triệu xe máy tham gia vào hệ thống giao thông. Các phương tiện này chính là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng ô nhiễm không khí ở nước ta.
▪ Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2017, nồng độ bụi có xu hướng tăng mạnh. Từ năm 2019 đến nay, tình trạng ô nhiễm không khí thường xuyên đạt đỉnh tại các thành phố lớn trên cả nước.
▪ Điển hình là ô nhiễm không khí tại Hà Nội và ở thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày (AQI) tại các khu vực này thường dao động trong khoảng 150 - 200, đây được xem là mức rất nguy hiểm.
▪ Qúy I và II năm 2021, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TPHCM đã có sự cải thiện khá rõ rệt. Cụ thể, kết quả tính toán AQI của hai khu vực này đều duy trì ở mức thấp và trung bình.
▪ Nguyên nhân chính là do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19. Trong thời gian này, với các chính sách cách ly xã hội nghiệm ngặt, lượng lưu thông của các phương tiện đã giảm đi một cách đáng kể.
IV. Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm trong không khí
Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đến từ rất nhiều nguồn khác nhau. Nhưng cơ bản có hai nguyên nhân chính là nhân tạo và tự nhiên.
1. Nguyên nhân đến từ tự nhiên
▪ Do núi lửa phun trào: Được biết, núi lửa phun trào sẽ mang theo một lượng dưỡng chất lớn cho đất. Tuy nhiên, lượng lớn khí Clo, Metan, lưu huỳnh sinh ra trong quá trình phun trào nham thạch lại là nguyên nhân khiến không khí bị ô nhiễm trầm trọng.
▪ Do cháy rừng: Những đám cháy rừng sẽ sản sinh ra một lượng Nito Oxit khổng lồ. Hơn thế, cháy rừng còn giải phóng rất nhiều khói bụi và tàn tro vào môi trường không khí.
▪ Do gió: Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp, tuy nhiên gió cũng được xem như một tác nhân gián tiếp gây ra ô nhiễm không khí. Gió chính là phương tiện mang bụi bẩn, các chất khí thải độc hại từ các nhà máy, thiên tai,... đi xa và lan rộng hơn.
▪ Do bão: Những cơn bão sẽ phát sinh ra một lượng khí COx và bụi mịn lớn, điều này càng làm gia tăng sự ô nhiễm trong không khí.
▪ Ngoài những nguyên nhân kể trên thì quá trình phân hủy xác chết động vật, sóng biển hay phóng xạ tự nhiên cũng là các yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí.
2. Nguyên nhân xuất phát từ con người (nhân tạo)
Dù trở thành nạn nhân của vấn nạn ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, con người cũng là một trong những tác nhân chính gây ra tình trạng này.
2.1 Hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp
▪ Đây là một nguyên nhân phổ biến nhưng lại chưa thể tìm ra hướng khắc phục triệt để, nhất là với các nước đang phát triển.
▪ Khói bụi từ hệ thống ống xả thải của nhà xưởng, xí nghiệp trong những khu công nghiệp thường làm đen ngòm cả một khoảng trời, với thành phần chủ yếu là khí CO2, CO, SO2, NOx cùng một số chất hữu cơ khác cùng mức nồng độ cực cao.
▪ Không chỉ dừng lại ở việc làm ô nhiễm môi trường không khí, những khu công nghiệp còn trở thành tác nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước, khiến cho rất nhiều "làng ung thư" được hình thành.
▪ Quá trình xử lý rác thải không đạt chuẩn tại các khu công nghiệp cũng trở thành nguyên nhân gây nên tình trạng mưa Axit.
▪ Việc lạm dụng thuốc phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay các hoạt động đốt rơm, rạ, đốt rừng làm rẫy cũng là một yếu tố khiến môi trường không khí trở nên ô nhiễm.
2.2 Hoạt động giao thông vận tải
▪ Với một số lượng khổng lồ phương tiện giao thông di chuyển một cách liên tục, lượng khí thải phát sinh ra cũng vô cùng khủng khiếp.
▪ Đặc biệt, đối với những dòng xe đã cũ, hệ thống máy móc hoạt động kém khiến lượng khí thải ra lại càng lớn. Các phương tiện giao thông chủ yếu thải vào không khí những chất độc hại như: NO2, SO2, CO, VOC,... với nồng độ cực cao.
2.3 Hoạt động quân sự, quốc phòng
▪ Các chất độc tồn đọng từ chiến tranh và những cuộc thử nghiệm quân sự có tác động tiêu cực rất lớn tới sức khỏe con người. Ngoài ra, mối đe dọa từ bom hạt nhân vẫn luôn thường trực mỗi ngày và nếu chúng bị rò rỉ ra ngoài thì hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng.
2.4 Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng
▪ Các hoạt động xây dựng chung cư cao tầng, cao ốc hay cầu đường luôn luôn đem đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí nặng nề. Khi vận chuyển nguyên vật liệu, cho dù được che chắn kỹ càng đến đâu thì bụi bẩn vẫn sẽ vương vãi ra môi trường và gây ô nhiễm.
2.5 Hoạt động thu gom xử lý rác thải
▪ Việc rác bị thải ra quá nhiều khiến cho những khu tập kết không thể xử lý kịp thời. Điều này dẫn tới tình trạng xuất hiện mùi hôi thối. Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải theo phương pháp thủ công là đốt sẽ khiến cho không khí bị ô nhiễm trầm trọng hơn.
2.6 Hoạt động sinh hoạt
▪ Trong quá trình nấu nướng, sinh hoạt, các khí thải từ nguyên liệu cháy như Gas, than, củi,... sẽ giải phóng ra một lượng lớn khí độc và bụi vào môi trường không khí.
V. Hậu quả của ô nhiễm môi trường không khí
Ô nhiễm môi trường không khí đang mang đến rất nhiều hậu quả cho động vật, thực vật và cả con người. Chúng là một tác nhân gây nên cái chết cho hàng triệu người mỗi năm.
1. Tác hại đối với động thực vật
▪ Những chất nguy hiểm như: NO2, SO2, CO,... có trong môi trường không khí ô nhiễm làm tắc nghẽn khí quản và suy giảm hệ miễn dịch của động vật.
▪ Hợp chất HF còn làm các giống cây ăn trái rụng lá hàng loạt, lâu dần gây ra tình trạng chết cây, gián tiếp làm trái đất nóng lên và tạo nên hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, những cơn mưa Axit còn làm chết cây cối, gây ô nhiễm nguồn nước, tiêu diệt các vi sinh vật có lợi trong đất.
2. Tác hại đối với con người
▪ Hậu quả của ô nhiễm không khí đối với con người là vô cùng nặng nề và đã trở thành tác nhân chính khiến cho tỷ lệ người mắc bệnh về hô hấp, ung thư,... ngày càng tăng cao.
▪ Theo WHO, ô nhiễm không khí đã gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đókhu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 4 triệu ca. Chúng không những cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mà còn gây thiệt hại về mặt kinh tế (gần 5 nghìn tỷ USD/năm).
▪ Chúng còn khiến độ tuổi thọ trung bình của con người giảm đi 2 năm và trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới chỉ sau: Tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh.
▪ Theo đó, ô nhiễm bụi mịn chính là thủ phạm gây ra nhiều ca tử vong nhất. Vì chúng sở hữu kích thước rất nhỏ, nên dễ đi vào các nang trong phổi tạo nên các bệnh về đường hô hấp.
▪ Bụi mịn kết hợp với chất SO2, NO2, CO có trong không khí gây tình trạng kích ứng niêm mạc. Đồng thời, cản trở Hemoglobin kết hợp với Oxy khiến tế bào bị thiếu Oxy, qua đó, làm suy giảm chức năng phổi và khiến tình trạng bệnh tim nặng thêm.
▪ Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn làm trầm trọng hơn các loại bệnh hen suyễn, gây ung thư phổi. Chúng còn tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson, Alzheimer, tự kỷ hay dễ cáu gắt.
▪ Trên đây chỉ là những con số thống kê nhỏ về hậu quả của ô nhiễm môi trường không khí, thực tế vấn đề này còn gây ra rất nhiều bệnh tật cũng như là cái chết thầm lặng cho hàng triệu người trên thế giới.
VI. Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường không khí
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng, mỗi chúng ta cần phải hành động để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như hành tinh xanh của chúng ta. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí chúng ta cần:
1. Cải thiện thói quen sinh hoạt
▪ Một trong những giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường không khí hiệu quả nhất chính là cải thiện thói quen sinh hoạt hàng ngày. Hãy thực hiện việc xử lý rác thải đúng cách, không đốt rác hoặc những thành phần dư thừa khác. Điều này giúp hạn chế đáng kể lượng khí thải độc hại và bụi bẩn xả ra môi trường.
▪ Thay thế các thiết bị sử dụng nhiên liệu đốt như củi, than, gas sang những dòng sản phẩm điện hiện đại, vừa an toàn vừa khắc phục được ô nhiễm không khí. Hãy tắt các thiết bị điện khi không cần thiết. Sử dụng phương tiện công cộng cho việc di chuyển nhằm giảm khí thải từ hoạt động giao thông.
2. Xử lý khí thải công nghiệp đúng quy định
▪ Để có thể giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ những quy định về xử lý chất thải trước khi đưa ra môi trường.
3. Dùng biện pháp kỹ thuật
▪ Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường không khí hiệu quả và an toàn nhất hiện nay là áp dụng hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại để lọc và làm sạch không khí. Không khí sau khi được lọc sạch chất thải mới được xả ra ngoài môi trường. Điều này góp phần làm giảm sự ô nhiễm không khí một cách rõ rệt.
4. Quy hoạch và trồng cây xanh
▪ Ngoài những biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường không khí nêu trên, trồng và phát triển các khu rừng nhân tạo cũng là một phương pháp cực kỳ hữu ích. Cây xanh góp phần lọc sạch không khí và ngăn ngừa những thiên tai tự nhiên.
▪ Trồng cây xanh tại công viên và vỉa hè xung quanh những khu đô thị lớn giúp giảm đi lượng khí thải, khói bụi và góp phần làm hạ nhiệt độ cũng như tăng sự trong lành của không khí.
VII. Tổng kết
Đừng thờ ơ trước thực trạng ô nhiễm môi trường không khí như hiện nay, mỗi chúng ta đều cần phải hành động để bảo vệ môi trường sống của mình. Famy hy vọng rằng, bài viết ngày hôm nay đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức bổ ích và cần thiết để có thể cải thiện chất lượng không khí.
1 Bình luận trong Ô nhiễm không khí là gì? Thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam
Hiện tại nhà máy dệt Vĩnh Phú , dệt Minh Phương tại phường Nông Trang, Thành Phố Việt Trì thường xuyên thái khi độc ra khu dân cư mùi rất khó chịu và nhà máy ko có bộ phận xử lý chất thải nhuộm và thải ra đường cống nước sinh hoạt gây ô nhiễm rất nặng nề.
2 years ago