Sự khác nhau giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn, TCVN và QCVN, hợp chuẩn và hợp quy?
Các sản phẩm máy lọc nước lưu hành trên thị trường Việt Nam thường có các thông tin liên quan đến các tiêu chuẩn và quy chuẩn như TCVN 11978:2017 hay QCVN 4:2009/BKHCN. Vậy tiêu chuẩn và quy chuẩn có gì khác nhau, TCVN và QCVN có gì khác nhau? Các sản phẩm máy lọc nước cần có những tiêu chuẩn và quy chuẩn bắt buộc nào, trong bài viết này chúng ta sẽ cùng các chuyên gia đến từ Famy Việt Nam giải đáp các thắc mắc này.
QCVN là gì?
QCVN là viết tắt của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. QCVN do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng. Đồng thời, QCVN cũng được sử dụng làm tiền tố cho các bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam.
Tham khảo: Quy chuẩn là gì? QCVN là gì?
Với máy lọc nước RO, cần được kiểm định và cấp các chứng nhận hợp quy như QCVN 04:2009/BKHCN, QCVN 09:2012/BKHCN, QCVN 6-1:2010/BYT...
Biểu tượng QCVN, ví dụ QCVN 04:2009/BKHCN
Tiêu chuẩn là gì? TCVN là gì?
Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Như vậy, tiêu chuẩn đưa ra cho các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm mà không bắt buộc phải áp dụng.
TCVN là tiêu chuẩn Việt Nam (theo Pháp lệnh chất lượng hàng hóa năm 1999), nhưng đến khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ra đời năm 2006 thì tiêu chuẩn Việt nam được chuyển thành Tiêu chuẩn quốc gia và lấy ký hiệu là TCVN. Kể từ đó, TCVN cũng được sử dụng làm tiền tố cho các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam.
Một số các tiêu chuẩn có thể áp dụng cho máy lọc nước bao gồm TCVN 11978:2017, TCVN 11979:2017...
Sự khác nhau giữa TCVN và QCVN
Sự khác nhau giữa TCVN và QCVN
Điều khác biệt lớn nhất giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn là: Tiêu chuẩn thực chất chỉ mang tính chất khuyến nghị, khuyến cáo, tự nguyện áp dụng. Còn quy chuẩn được cơ quan nhà nước ban hành, bắt buộc các doanh nghiệp phải áp dụng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Tuy nhiên, việc một tiêu chuẩn được công bố và áp dụng cần phải xem xét kỹ về nhiều khía cạnh và có tính thực tiễn để áp dụng, bởi lẽ mục đích của tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của đối tượng áp dụng, cũng như nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Rõ ràng, với người dân nói chung, một sản phẩm được quảng cáo trên bao bì là đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) sẽ được tin tưởng hơn sản phẩm không có nhãn mác tương tự. Do đó, nếu tiêu chuẩn đưa ra không sát với thực tiễn và không thực hiện được sẽ vô tình làm giảm giá trị thương hiệu, giảm giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ngoài ra, tiêu chuẩn quốc gia cũng là một trong các căn cứ để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật mang tính bắt buộc. Vì vậy, nếu một quy chuẩn được áp dụng dựa trên các tiêu chuẩn không có tính thực tiễn, có thể xóa sổ đối tượng được áp dụng đó, gây nên thiệt hại lớn không chỉ cho nền kinh tế mà còn là vấn đề bản sắc văn hóa, truyền thống Việt Nam, như “nước mắm truyền thống”.
Với những lý do đó, Điều 13 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cũng quy định rõ tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên một hoặc những căn cứ sau: Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài; Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật; Kinh nghiệm thực tiễn; Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định.
Bảng so sánh giữa tiêu chuẩn TCVN và quy chuẩn QCVN
Sự khác biệt giữa hợp chuẩn và hợp quy
Công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng (Khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN). Đây là hoạt động tự nguyện, không mang tính bắt buộc. Công bố phù hợp tiêu chuẩn tương ứng dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký thực hiện hoặc kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn.
Nơi công bố hợp chuẩn: Các tổ chức cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ nộp tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp tỉnh; nếu đầy đủ hồ sơ, đơn vị này sẽ chấp nhận và Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn cho tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn. Dấu hợp chuẩn không bắt buộc.
Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. (khoản 2 Điều 3 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN). Đây là hoạt động bắt buộc và đối tượng của công bố hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành hoặc được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật địa phương do Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.
Nơi công bố hợp quy: Các tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ nộp tại cơ quan chuyên ngành (các Sở chuyên ngành); nếu đầy đủ hồ sơ, đơn vị này sẽ chấp nhận và Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy. Dấu hợp quy (CR) bắt buộc sử dụng trên sản phầm, hàng hóa đã được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
Kết luận
Qua bài viết bạn đã phần nào hiểu được sự khác nhau giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn, giữa TCVN và QCVN, giữa hợp chuẩn và hợp quy. Chúng ta cũng nắm rõ hơn máy lọc nước cần có những tiêu chuẩn, quy chuẩn nào. Mọi thắc mắc xin được gửi về ban tư vấn Famy Việt Nam, chúng tôi sẽ giải đáp mọi câu hỏi từ quý vị.
0 Bình luận trong Sự khác nhau giữa tiêu chuẩn và quy chuẩn, TCVN và QCVN, hợp chuẩn và hợp quy?